Tân Long hôm nay

Kính thưa các cô; Chú nhóm VK tại Việt Nam, các đơn vị tài trợ

Xã Tân Long, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long được tách ra từ xã Tân Long Hội vào năm 1996, Người dân nơi dây sống chủ yếu bằng nghề nông, với truyền thống cần cù lao động, áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thời gian qua cây lúa, cây màu ,thủy sản và vật nuôi cây trồng khác đều tăng lên về sản lượng, chất lượng, cung cấp một lượng lớn hàng nông sản cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tuy nhiên, mức sống và mức thu nhập của người dân trong một thời gian dài chưa được cải thiện tốt. Bởi lẽ hạ tầng về giao thông chưa được đầu tư, đường hơn 80% là đường đất kết hợp với thủy lợi nội đồng, cầu toàn là cầu cây, cầu tre, nên khi hàng hóa làm ra mang đi tiêu thụ chủ yếu là bằng phương tiện thủy gặp rất nhiều khó khăn, tốn thời gian, khó bảo quản, qua nhiều khâu vận chuyển, thương lái vào mua cũng có giới hạn, làm cho chi phí tăng lên rất lớn, người dân làm không có lời.

Bên cạnh đó là việc sinh hoạt và đi lại của người dân muôn vàng khó khăn “bên này sông, bên kia sông” mà cách trở muôn trùng, muốn sang sông thì phải lụy đò, xuồng hoặc phải đi vòng từ 6 đến 10km, cầu cây chỉ có thanh thiếu niên qua được, người già, bà bầu, trẻ em thì không thể và không dám qua, đối với học sinh có những trường hợp đáng thương, vì cầu khó đi các em đánh rớt cả cập xuống dòng nước đang chảy chỉ còn biết la lên và khóc nhìn theo mà không biết phải làm gì?!

Thế nhưng, đầu năm 2011 được Các Cô, Chú Nhóm VK tại Việt Nam, quý Ông – Bà KiDa ; Ông Trần Đình Khương, Các đơn vị tài trợ đã hỗ trợ cho xã Tân Long xây dựng 2 cây Cầu ở hai ấp Thanh Bình và ấp Đồng Bé, thật sự đã tạo ra một diện mạo mới cho xã, người dân rất vui mùng, phấn khởi, đã mang lại lợi ích rất lớn trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất cho người dân nơi đây, cụ thể:

1. Theo Bà Trần Thị Ứng nói: “Bác năm nay 79 tuổi, Cầu Thanh Bình, Cầu Đồng Bé được bắt ngang Bác tưởng chừng như nằm mơ, mừng quá hà, Bà con hai bên qua lại tiện lắm, không phải đi vòng, cái cảnh qua sông bằng xuồng, chờ đợi quá giang không còn, và con cháu đi học dễ dàng, các cháu lớn tự nó đi xe đạp, không còn phải cha mẹ đưa rước qua sông nữa”.

2. Theo Ông Trần Văn Út, 57 tuổi cho biết: “mấy tháng nay, có cây cầu này, chú thấy tiện lắm, như vụ lúa rồi chú không phải vận chuyển bằng ghe, lên xuống 4 chặng đường như trước đây nữa, vụ này suốt xong, các con chú lấy xe honda chở lần 2 bao, lúa về tới nhà luôn, chi phí giảm rất lớn, nếu thuê ghe, nhân công chuyển lúa từ đập về tới nhà phải tốn 1.300.000 đồng/vụ, năm nay tốn khoảng 175.000 đồng tiền xăng, khỏi phải chuyền đập, rồi xuống ghe, lên bờ gì cả.

– Rau cải mà thím bây trồng, thì người ta đến thu mua luôn, vì xe nó chạy qua cầu này ra Tân Long, hay xuống chợ huyện cũng thuận tiện, giá cũng cao hơn, vụ này thu nhập 2.500.000 đồng (trồng hành, bầu), giá mua tăng 1.200 đ/ký hành, 800 đ/bầu”, rất phấn khởi.

3. Theo Anh Nguyễn Văn Núm, ấp Tân Tiến xã Tân Long Hội cho biết: “Không có niềm vui nào bằng khi có cây cầu này, người dân Đồng Bé của Tân Long, Tân Tiến của Tân Long Hội đã mong có cây cầu bêtông như thế này từ rất lâu, nhưng dân còn nghèo, không đủ khả năng, nay được các nhà tài trợ đầu tư, quý báu vô cùng. Chủ máy chà đến tận nhà chở lúa về chà lúa và giao gạo, cám tận nơi, chi phí lại giảm 2.000 đ/giạ, trước đi chà gạo phải hẹn nhiều hộ, thuê ghe chở đi, chờ có khi cả ngày, còn chở xe honda phải đi vòng, nên chi phí cao”.

– Cây cầu này hàng ngày bình quân có từ 500 – 600  lượt người, xe qua lại, muốn qua xã, đi Vũng Liêm, Long Hồ, Măng Thít không phải chạy vòng xuống tận Tân Long Hội mới qua sông được, mà đi qua cầu này đoạn đường ngắn hơn khoảng 16km, tiết kiệm lớn lượng xăng. Khi vào vụ mùa hè thu 2011 này thì dân bên này qua bên kia và ngược lại dễ dàng hơn, bà con giảm nhiều chi phí trong việc vận chuyển phân bón, thuốc trừ sâu mua từ tiệm về, Con tôm, con cá, rau màu trồng xen canh, tuy số lượng ít, nên bà con cho lên xe bán dạo, ra chợ xã bán cũng nhanh, đảm bảo được độ tươi, sống do việc vận chuyển được thuận lợi.

4. Đối với các em học sinh Trường THCS Tân Long, Tiểu học Tân Long B, hồ hỡi nói: “Chúng cháu ở xa trường, từ nhà cháu đến trường khoảng 8 cây số, đường đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đi bộ, một vài bạn của cháu thì cha – mẹ đưa rước mỗi ngày theo con đường vòng, nên chúng cháu phải sắp xếp đi học rất sớm, nếu buổi sáng phải đi từ 5 giờ 30’, buổi chiều phải đi từ 12 giờ thì mới kịp giờ truy bài, hay sinh hoạt đầu tuần, thi cử …. Nhưng từ Tết đến nay, khi hai cây cầu Thanh Bình, cầu Đồng Bé dựng nên chúng cháu đi học dễ dàng hơn, cha mẹ không phải đưa nữa, chúng cháu tự đi xe đạp, chở được các bạn, không phải đi sớm, về trễ như trước. Chúng cháu rất vui mừng, nhân đây chúng cháu xin ghi nhớ công lao của cô chú, đơn vị đã đầu tư cầu cho quê hương chúng cháu, cháu quyết tâm học giỏi làm nhiều việc có ích cho xã hội, gia đình”.

Nhìn chung, lợi ích từ những chiếc cầu nông thôn như cầu Đồng Bé, cầu Thanh Bình mang lại lợi ích là rất lớn, không thể nói hết bằng lời, thực tế đã tạo cho Tân Long một diện mạo mới, tạo thuận cho người nơi đây trong lao động, sản xuất và sinh hoạt, kết nối bờ vui, đời sống người dân chắc chắn sẽ được nâng lên, Tin rằng những chiếc hữu nghị đã góp phần rất lớn cho Xã Tân Long đạt xã nông thôn mới vào năm 2015.

Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, ủy ban mặt trận tổ quốc việt nam xã Tân Long, cùng với toàn thể nhân dân trong xã xin chân thành cám ơn sự giúp đỡ chân tình của các Cô Chú nhóm VK tại Việt Nam, Chú Trần Đình Khương (ở Canada), quý Ông Bà KIDA NOBUHIRO (ở Nhật bản), các đơn vị tài trợ, xin kính chúc toàn thể quý Cô Chú nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Rất mong nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hơn nữa về cầu, đường cho xã. Xin chân thành cảm ơn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *