Những nhịp cầu quê hương
Không khoa trương, không nhằm lấy danh lấy lợi, Việt kiều tại nhiều nước âm thầm quyên góp tiền của, lẳng lặng về nhiều vùng thôn quê xây dựng đã hơn 120 chiếc cầu cho người dân sử dụng.
Thiết thực giúp người dân xoá cầu khỉ, trực tiếp đóng góp xây dựng quê hương tươi đẹp hơn, đơn giản chỉ dưới một cái tên: nhóm VK, tức Việt kiều một cách chung chung. Cầu VK – tên cầu cũng chỉ như vậy, kèm theo số. Cầu VK 120, cầu VK 121…
Rất hiếm khi nhìn thấy, nghe thấy những đại diện của nhóm VK. Giúp đồng bào, quê hương bằng tấm lòng, kiệm lời và giải dị.
+ Từ ý tưởng của một “Nhóm VK”:
“Nhóm VK” – một cái tên chung như thế, ra đời năm 2003 bằng sự tham gia tự nguyện 11 thành viên người Việt sống ở nhiều nơi trên thế giới (Canada, Mỹ, Pháp, Nhật, Úc, Việt Nam…). Không đại diện cho ai, tổ chức nào, không kinh doanh kiếm tiền, chỉ giúp đồng bào quê nhà, nhất là vùng sâu vùng xa, miền sông nước.
Mục tiêu trước mắt là xóa “cầu khỉ” vắt vẻo vùng ĐBSCL. Tính đến ngày 2-2-2011, “Nhóm VK” đã thay được 121 cây “cầu khỉ” bằng cầu bê tông cốt thép khang trang, đổ bêtông một con đường, xây dựng một ngôi nhà tình thương, và nâng cấp đập nước Saloun tại xã Đông Giang huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận (VK.85), với tổng kinh phí xây dựng lên đến gần 7 tỷ VNĐ ( khoảng 335.000 $ hay 245.000 €.)
Vùng sông nước chằng chịt ĐBSCL bao đời từ thời khẩn hoang gắn với hình ảnh những cây cầu khỉ, nối bờ chỉ bằng một thân cây dừa, cây tre… Đời sống phát triển, cầu khỉ không nối được nhịp sống công nghiệp, nhu cầu giao thông và vận tải nông thôn, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội… bị cản trở.
Kế hoạch ban đầu của “Nhóm VK” chỉ là trong 3 năm cố gắng thay 10 cây cầu khỉ bằng 10 cầu bê tông cốt sắt. Vốn lấy từ nguồn “tự có”, do các thành viên trong nhóm đóng góp, ở mức 300€/người/năm.
Ý tưởng trực tiếp đóng góp xây cầu giúp đồng bào quê hương đã được sự hoan nghênh và nhiệt tình ủng hộ, đóng góp tích cực rộng rãi của Việt kiều khắp nơi. Tiền quyên được nhiều hơn và mục tiêu ban đầu rút ngắn được một năm. Chỉ hai năm sau, tính đến tháng 11-2008, 81 cây cầu đã được xây, số lượng tăng, tốc độ nhanh hơn, thành công ngoài dự kiến.
+ Không chỉ xây cầu, không chỉ ở ĐBSCL:
Địa bàn xây cầu cũng được mở rộng ra Quảng Nam, Tây Nguyên. Tháng 3-2011, sau gần hai tháng xây dựng, cầu VK.123 và VK 124 đã được hoàn thành và nghiệm thu tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, cầu rộng 1,7m, dài 15m và có trọng tải 1 tấn.
Với số tiền quyên góp được nhiều, mục tiêu xóa “cầu khỉ” mở rộng thêm sang các hoạt động khác như: cải tạo đường làng ở các thôn xã để tránh lầy lội, xây dựng trường học, xây nhà tình thương…
Cầu Việt kiều trở thành một “thương hiệu” dễ thương và ngày càng xuất hiện nhiều. Để hỗ trợ thúc đẩy việc này và giúp kinh nghiệm để nhân rộng việc xây cầu ở nông thôn vùng sông nước, tháng 6-2008 “nhóm VK” lập trang web https://pontvk.org.
Ngoài việc lưu trữ các công việc từ năm 2003 đến nay, còn có việc giới thiệu thiết kế, nghiên cứu và trình thiết kế mẫu, trao đổi kinh nghiệm để hỗ trợ mọi tổ chức cùng làm. Các thiết kế kỹ thuật đúc kết công phu từ các nghiên cứu địa chất cụ thể vùng sông nước… không cần giữ bản quyền, mà phổ biến công khai để mọi người có thể cùng làm hoặc sửa chữa khi cần…
Bên cạnh việc đăng các thiết kế mẫu, còn ghi rõ: “Với mục đích chia sẻ thông tin, mọi việc sao chép, quảng bá Bộ thiết kế mẫu này luôn được khuyến khích và rất mong nhận được ý kiến đóng góp để Bộ thiết kế mẫu này được hoàn thiện hơn.
+ Thế hệ tiếp nối:
“Nhóm VK” bắt đầu lo truyền sự nghiệp cho thế hệ sau. Trưởng ban liên lạc nhóm VK, ông Nguyễn Văn Công, Việt kiều Pháp, cho biết: “Trong năm 2011, nhóm VK sẽ kết nạp nhiều thành viên trẻ, tận dụng khả năng của thanh niên, kêu gọi họ tham gia góp công sức vào những dự án xây cầu. “Thành phần nòng cốt của VK đã già, chúng tôi sẽ từng bước chỉ dạy cho các em cháu để ngày càng có nhiều cây cầu bê tông của VK mọc lên trên mảnh đất quê hương”.
Những nơi cần xoá cầu khỉ vẫn đang được nghiên cứu. Hiện có 166 dự án khác đang chờ. Và nhóm VK đang mở rộng, chuẩn bị cho thế hệ mới tiếp nối công việc. Nhóm đã kết nối được với hơn 20 kiều bào trẻ là sinh viên, nghiên cứu sinh, thạc sĩ, tiến sĩ đang sống làm việc tại Pháp, Nhật, Australia, Canada…
Các Việt kiều trẻ đang làm cầu nối, nghiên cứu kinh nghiệm, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, giới thiệu, tiếp thị, vận động mọi người chung tay đóng góp xây dựng quê hương…
Xây dựng quê hương, giúp đỡ đồng bào, là tính cách quý báu của người Việt Nam, từ thế hệ này qua thế hệ khác. “Nhóm VK” xa quê tản mát đã quy tụ lại theo tinh thần ấy và đang truyền lại thế hệ sau tình cảm thiêng liêng ấy.V.K.
(Sở Ngoại vụ TPHCM)
Source: http://www.mofahcm.gov.vn/tintuc_sk/nr091016091643/ns110526140523#FC6lTD4C80Zg