Đặt vấn đề

1. Vấn đề bức xúc:

Đồng Bằng Sông Cửu Long với diện tích 39.658 km2 và mạng lưới kênh rạch chằng chịt, tạo nên 28.000 km chiều dài đường thủy, trong đó phương tiện vượt qua kênh, rạch của người dân vùng nông thôn chủ yếu là bằng cầu khỉ!

DBSCL

Và quý vị nào đã từng chứng kiến những trường hợp dưới đây, thì mới thấu hiểu tình cảnh khó khăn của bà con nông thôn, đặc biệt là của trẻ em và người già, ở những vùng quê xa xôi, hẻo lánh này:

  • Trẻ em đi học vừa vác xe đạp vừa qua cầu khỉ, đã có nhiều tai nạn xảy ra như: té ngã xuống kênh rạch và bị cây gãy mục ở dưới nước đâm vào người, nước chảy xiết dẫn đến chết đuối, nhất là về mùa mưa luôn có đất bùn trơn trợt trên cầu.
  • Những mùa nước lớn, trẻ em đứng bên này cầu khỉ nhìn qua trường bên kia sông, mà không sao qua được, vì chân cầu bị sạt lở, nước ngập cả đôi bờ.
  • Những lúc nước cạn, trẻ em phải lội bùn mới đi tới được xuồng ba lá để qua sông đến trường.
  • Các cô giáo, thầy giáo đi đến trường dạy học, phải đem theo một bộ quần áo gói trong túi nylon, để phòng khi trượt té trên cầu.
  • Những cụ già đứng hai bên cầu khỉ, vẫy tay chào hỏi nhau, nhưng không dám qua cầu!

2. Tìm giải pháp:

Muốn xây cầu bê tông thay cầu khỉ ở vùng quê cần phải có người đại diện trong nước về chuyên ngành xây dựng. Trong «Nhóm VK» có anh Nguyễn Văn Công-kỹ sư chuyên môn về nền móng, trước đây đã làm đại diện cho một hãng của Pháp về xây dựng tại Tp.HCM từ năm 1980 và anh Việt kiều Hikochiro Nakamura-chuyên gia cố vấn cho một công ty của Nhật đang tham gia chương trình xây đường cao tốc tại Việt Nam.

Các anh chị em trong nhóm đề nghị là công tác xây cầu bê tông thay cầu khỉ chỉ nên tập trung về các làng xã ở vùng sâu vùng xa thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long, và những dự án của «Nhóm VK» thì không liên hệ gì đến các dự án do Bộ Giao Thông Vận Tải quản lý trên qui mô một tỉnh hay cả quốc gia.

Cầu bê tông được thiết kế thay cầu khỉ là những cây cầu nhỏ với chiều ngang lọt lòng là 1,5 m đủ để cho 2 xe Honda đi qua, có lan can an toàn và chịu được trọng tải 1 tấn/m2.

Như thế những đối tác của chúng tôi ở ngay thôn xã là những người có trách nhiệm trong làng như: hiệu trưởng trường học, các trưởng nhóm dân cư, các nhà tôn giáo, chủ tịch các hiệp hội (như hội người cao niên). Chúng tôi liên lạc trực tiếp với họ để nghe bà con trình bày những bức xúc của mình… Dưới đây là ý kiến của một cụ cao niên:

Ông Bảy, một người dân tại xã Xuân Thắng, tỉnh Cần Thơ than thở : «Mấy chục năm nay, bà con chúng tôi chỉ có một cây cầu khỉ cheo leo, ngất ngưỡng khó đi. Những đứa trẻ trong xóm đi học thật vất vả, nhất là đi qua đã khó khăn, lại phải cõng thêm chiếc xe đạp nữa, để qua bên kia bờ mà có xe đạp mới đến trường, nguy hiểm vô cùng; nhưng chúng tôi chẳng biết làm gì hơn bởi người dân nơi đây, lo cơm ngày hai bữa đã khó khăn thì tiền đâu mà đóng góp xây cầu ? »

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *