Những nhà tài trợ chính
1. Những nhà tài trợ với tính cách cá nhân:
Đa số là những Việt Kiều muốn giúp các làng xã nơi sinh trưởng của họ, hoặc nơi còn dấu tích của dòng họ ông bà tổ tiên, hoặc những nơi mà thời loạn lạc họ đã được bà con trong thôn xã đó đùm bọc, giúp đỡ, hoặc những nơi mà họ thăm viếng nhân dịp về quê. Có trường hợp do chính các ông thầu xây dựng của «Nhóm VK», chung sức với dân làng, đóng góp để xây cầu.
Cụ Võ Ngọc Điệp, 80 tuổi, nguyên quán xã Thành An, Việt Kiều Mỹ, nhà tài trợ cầu VK.10 thổ lộ: «Cây cầu này là món quà khiêm tốn của tôi tặng quê hương huyện Mỏ Cày thân yêu. Mong rằng công trình nhỏ bé của tôi sẽ giúp ích cho bà con lớn tuổi và các cháu học sinh đi lại nhanh chóng, an toàn để cuộc sống của người dân hai đầu cầu dễ dàng hơn ».
Chị Xuân Vinh, Việt Kiều cư ngụ tại Úc, nhà tài trợ cầu VK.66 sau sự cố đắm đò làm 5 cháu bé và vợ anh lái đò có thai bị tử vong, đã viết trên mạng phunuviet.org «…… Nhìn những tấm hình TP. gởi lên mà lòng xúc động thật nhiều, vui buồn lẫn lộn. Vui vì chúng ta đã cùng nhau đóng góp để hiến tặng cho đồng bào ruột thịt nơi quê nhà một món quà nhỏ bé, buồn vì nhìn thấy bà con còn nghèo khổ quá, bao nhiêu năm vẫn chẳng khá hơn. Vui vì từ nay các cụ già, các em nhỏ và những người chân quê có thêm một chiếc cầu nữa để qua lại đôi bờ, buồn vì nỗi ngậm ngùi khi nhớ lại tai nạn đã xảy ra. Và thương quá những người anh người chị người em trong hình, những em bé với tấm áo mới thẹn thò khép nép để chú TP. bấm máy rồi lại chạy vội về níu áo mẹ… Thương biết mấy người dân chất phát quê tôi! ».
2. Những nhà tài trợ là các hội đoàn:
Nhờ sự tài trợ của các hội đoàn, những cây cầu khá dài đã được xây, như cầu VK.8 ở xã Hòa Bình-An Giang dài 39 m do hội Huynh Đệ Việt Nam tài trợ, và cầu VK.25 ở xã Tân Tiến-Cà Mau dài 46 m do hội AIDEV-Association Internationale pour le Développement de l’Enseignement au Viêt Nam và UBND xã Tân Tiến đóng góp.
Ngoài ra, các cây cầu còn do chính Uỷ Ban Nhân Dân xã tài trợ !
3. Nhà tài trợ là các hội ái hữu:
Một số nhà tài trợ là những hội ái hữu cựu học sinh các trường Gia Long, Taberd, Marie Curie, La San, Nhóm sinh viên ĐHBK Tp.HCM (khối tiếng Pháp) v.v… Các cựu học sinh, sinh viên này đã giúp đồng bào quê nhà và nhân đó cũng muốn lưu lại kỷ niệm tên của trường mình.
Chúng tôi xin trích lời tâm tư của hai thành viên «Nhóm VK»:
Bà Phạm Thị Sách, nhà kinh doanh ở Mỹ: «Việt Kiều về nước càng ngày càng đông, thường thì chỉ dành thời gian thăm viếng bà con, đi du lịch, tiêu tiền rồi đi. Chúng tôi cũng vậy, nhưng chúng tôi tiêu ít lại một chút để trước khi đi chung góp tiền tặng bà con một công trình thiết thực, gọi là thể hiện chút tình cảm đối với quê hương, đồng bào».
Ông Trần Đình Khương, Giáo Sư Đại Học Québec Canada: «Chúng tôi sẽ vừa thực hiện công việc xây cầu giúp bà con nghèo, vừa kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè trên thế giới…».