Kinh Tế Xã và Cây Cầu VK

Tham quan cầu Hữu Nghị VK.39 & VK.46

Sáng ngày 13/8/2009, tôi đến khách sạn đón gia đình anh Thomas Soi và bạn bè của anh. Chúng tôi tất cả có 8 người, kể cả tài xế.

Anh Thomas Soi, Việt kiều Nhật, là một trong những “ủng hộ viên” tích cực đối với chương trình “Xóa cầu khỉ” vùng sâu vùng xa trên đồng bằng sông Cửu Long của “Nhóm VK”.

Hai năm trước, ở ấp Tân An A, xã Chánh An, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long, có hai gia đình đã đóng góp xây hai cây cầu cùng một lúc: anh Soi và gia đình tài trợ cầu VK.46, gia đình anh Pierre Boniface tài trợ cầu VK.39.

Hè năm nay, nhân dịp về Việt Nam cùng với gia đình và một số bạn người Nhật, anh Soi muốn đi thăm hai cây cầu mà trước nay chỉ nhìn thấy qua hình ảnh.

***

Như thường lệ, tôi cho xe dừng lại ở ngã ba Trung Lương, để đoàn nghỉ ngơi, thư giãn và cũng để thưởng thức món ăn đặc sản ở đây, đó là món “hủ tiếu Mỹ Tho”.

Xe tiếp tục bon bon trên đường hướng về miền Tây, vượt qua cầu Mỹ Thuận. Mọi người thỏa thích ngắm miền quê sông nước mênh mông nắng gió.

Chúng tôi đến UBND xã Chánh An lúc 11 giờ và được ông Phó chủ tịch tiếp đón ân cần. Để tranh thủ thời gian, theo sự hướng dẫn của anh Hoàng (cán bộ xã), đoàn chúng tôi xuống ghe đến chỗ hai cây cầu đã tài trợ trước đây.

Ngồi trên ghe, các bạn người Nhật đã thích thú chụp ảnh và quay phim vùng sông nước Việt Nam, say sưa ghi lại hình ảnh phong cảnh hiền hòa và bà con nông thôn đang sinh hoạt ở hai bên bờ sông. Đây là lần đầu tiên họ được tận mắt ngắm nhìn miền quê Việt Nam hiền hòa, thơ mộng và thanh bình…

Ghe cập bờ, đoàn chúng tôi đi bộ từ từ lên cầu. Ai cũng vui khi thấy bà con đi bộ hoặc chạy xe honda qua lại trên cầu, nhất là có nhiều học sinh đi xe đạp sau giờ tan trường…

Đoàn chúng tôi cứ đi qua đi lại trên cầu như để kiểm tra độ vững chắc của hai cây cầu và cũng để tận hưởng niềm hạnh phúc vì sự đóng góp của mình đã có tác dụng hữu ích đối với bà con vùng quê mùa lam lũ. Trước khi quay về, đoàn không quên cùng nhau chụp nhiều ảnh kỷ niệm với cây cầu.

Đoàn đã được các cán bộ địa phương mời dự bữa cơm “cây nhà lá vườn” ở nhà một nông dân, để bày tỏ lòng cảm tạ. Đại diện chánh quyền xã có ông Võ Văn Lập (Bí thư), ông Trần Hồng Tính (Phó Chủ tịch UBND); đại diện ấp có ông Nguyễn Thành Nhung (Bí thư) và ông Nguyễn Hoàng Tuấn (Cán bộ Nông nghiệp).

Chuyện trò trong bữa cơm thân mật, các vị đại diện chính quyền địa phương đã nhận xét đánh giá về hai cây cầu như sau:

–       Hai cây cầu rất tốt, đảm bảo chất lượng, rất vững chắc.
–       Hình dáng cây cầu hài hòa, rất phù hợp với khung cảnh vùng quê nơi đây.
–       Trung bình mỗi ngày có khoảng 200 người qua lại trên cầu (đa số là các em học sinh).

Đại diện chánh quyền cũng cho biết thêm là cán bộ Phòng xây dựng huyện đã đến xem và lấy mô hình hai cây cầu này làm tài liệu cho huyện, để sau này nếu muốn xây cầu nông thôn ở huyện Măng Thít thì lấy làm mẫu.

Và có một điều làm đoàn chúng tôi hết sức ngạc nhiên là “nhờ có hai cây cầu bê tông này mà bà con làm ăn khá hơn. Tính ra bà con nông dân đã được lời trên 300 triệu đồng từ khi có hai cây cầu đến nay”!

Chúng tôi thắc mắc: “Tiền vốn đầu tư xây dựng cho hai cây cầu chỉ có 60 triệu 500 ngàn đồng mà sau hai năm tiền lời đã lên gần gấp 5 lần à?”

Thấy chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên, các vị đại diện chính quyền giải thích cặn kẽ: Ấp Tân An A có 140 hộ, bà con sinh sống theo ba nghề chính: trồng lúa, trồng nhãn và chăn nuôi heo. Trước kia, lái buôn phải thuê ghe vào tận vườn để mua nhãn, mua heo. Kế đến, họ phải vận chuyển xuống ghe chở ra đường lớn rồi mới chuyển lên xe tải đưa về Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng sau khi có cầu bê tông, lái buôn không phải thuê ghe nữa mà sử dụng xe honda chạy thẳng vào các vườn, nhà để mua nhãn, mua heo, rồi vận chuyển ra xe tải…

Nghĩa là, nhờ có cầu bê tông nên đi lại thuận tiện hơn, thương lái vừa đỡ mất công sức thuê ghe, vừa vận chuyển nhanh chóng, tiện lợi nhiều hơn nên họ tăng giá mua cho bà con nông dân. Ví dụ: một kg nhãn tăng thêm 500 đồng (trước kia mua 3.000 đồng/kg, bây giờ 3.500 đồng/kg); một tạ heo hơi thêm 100.000 đồng (trước kia một con heo nặng 100 kg mua giá 3 triệu, bây giờ 3,1 triệu); một kg thóc trước kia 3.800 đồng, bây giờ lên 4.000 đồng (thêm 200 đồng/kg).

Thế là cứ tính nhân lên, đơn giản như một bài toán cấp một:

Về trồng nhãn: cả ấp Tân An A có khoảng 70% hộ trồng nhãn với tổng diện tích khoảng 200 công (1 công = 1.000m2). Trung bình mỗi công thu hoạch 1.000 kg nhãn. Sản xuất 1 vụ: 1.000 kg x 200 = 200.000 kg. Tổng cộng tiền lời thêm trong 1 vụ nhãn là: 500 đ x 200.000 kg = 100 triệu.

Về chăn nuôi heo: cả xã mỗi năm nuôi 3 lứa heo được khoảng 450 con. Mỗi con được thêm 100.000 đồng. Nhân lên 450 con tiền lời thêm được 45 triệu.

Về sản xuất lúa: mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ bình quân được 16 tấn. 32 tấn nhân với tiền lời thêm 200 đồng /kg. Như vậy tổng cộng được 6,4 triệu.

Cầu VK39 và VK46 đã đưa vào sử dụng được 2 năm. Như vậy tổng cộng cả nhãn, heo, lúa, toàn ấp Tân An A đã được lời thêm khoảng 300 triệu so với trước khi có hai cây cầu.

Đó là chỉ tính riêng cho Ấp Tân An A, nhưng thật ra thì bà con Ấp An Phước cũng đi qua và chở hàng hóa qua lại trên 2 cây cầu bê tông mới này – một vị còn cho biết thêm như thế.

Thật ra, khi bắt tay vào chương trình xây cầu bê tông thay cầu khỉ, anh chị em trong “Nhóm VK” chúng tôi chỉ ước mong là góp phần giúp đỡ bà con vùng sâu vùng xa được đi lại dễ dàng hơn; trẻ em, học sinh đến trường không bị rơi xuống sông, té xuống rạch; giúp cho bà con khi bị bệnh, nhất là vào ban đêm, có thể được xe honda đưa nhanh đến trạm y tế; sau nữa là việc giao lưu văn hóa kinh tế vùng sâu sẽ được khá hơn.

Tóm lại, cây cầu bê tông ở vùng sâu vùng xa của “Nhóm VK”, tuy không nhằm mục đích kinh tế sinh lợi, nhưng đã gián tiếp cải thiện đời sống kinh tế cho bà con. Nay nghe chính quyền địa phương cho biết cây cầu bê tông đã bắt đầu “sinh lợi” cho bà con nông dân, ai cũng thấy mát lòng mát dạ. Thật là một kết quả ngoài sự mong đợi!!!

Sau đó, ông Hồng Tính, Phó chủ tịch xã trân trọng trao cho tôi một bức thư đề nghị xin xây thêm cây cầu thứ 3 tại xã. Ông cho biết, đường bê tông dẫn vào hai đầu cầu đã có, nhưng hiện nay cây cầu khỉ không giúp bà con qua lại dễ dàng, bà con đang mong đợi có một cây cầu bê tông.

Thà rằng không biết thì thôi, chứ nếu đã biết được sự khó khăn của bà con nghèo thì mình không thể làm ngơ được. Trong khi chờ đợi một quyết định cụ thể, tôi nh anh Thông (thầu xây dựng của Nhóm VK) đi khảo sát và đo đạt cây cầu khỉ đó, dưới sự hướng dẫn của anh Hoàng Tuấn (cán bộ xã).

Khi quay về, anh Thông cho biết: chiều dài cây cầu định xây là 24 m, chiều ngang 2m, kinh phí ước tính khoảng 64 triệu đồng.

Nghe vậy, anh Thomas Soi liền lên tiếng đăng ký tài trợ 40 triệu (gần 2/3 tổng kinh phí cây cầu). Số tiền còn lại sẽ do UBND xã vận động bà con góp sức.

Chị YOSHII Michiko, cũng vui vẻ hứa: “Khi về Nhật, tôi sẽ vận động bạn bè góp vào để xây thêm nhiều cây cầu ở ĐBSCL, vì nó rất có ích lợi cho bà con nghèo ở nông thôn”. Được biết Chị YOSHII Michiko là giáo viên trường đại học Mie-University ở Nhật, đã có nhiều năm sống ở TP.HCM. Chị đã và đang giúp đỡ các trẻ em đường phố tại Sài Gòn (AER. Amis Des Enfants de la Rue- Friends For Street Children). Đây là lần đầu tiên chị xuống vùng quê sông nước của miền Tây Nam Bộ.

Đến 14 giờ 30, đoàn ra xe quay về Tp.HCM. Chúng tôi thành thật cảm ơn các vđại diện chánh quyền địa phương đã tiếp đón đoàn một cách chân tình. Chủ và khách bịn rịn chia tay, niềm vui đọng trong ánh mắt.

Tôi còn nhớ, cách đây 2 năm, ông Võ Chí Hữu – Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp có viết thư cảm ơn Nhóm VK vì đã xây 2 cây “Cầu-Cống (Pont-Écluse)” VK.41 và VK.42. Bức thư có đoạn “ …Trước nay, khi chưa có đê bao thì đến mùa lũ cây ăn trái của nhân dân bị thiệt hại rất lớn, bà con phải mất từ 3-5 năm để cải tạo, khôi phục lại, tuy vậy cũng phải chịu đối mặt thường xuyên với nước lũ… Nhưng đến khi tổ chức VK, qua quá trình đi thực tế đã thấy rõ sự cần thiết phải xây dựng “cầu kết hợp cống” để phục vụ tốt nhu cầu giao thông, vừa đảm bảo nhu cầu sử dụng nước, vừa ngăn nước lũ hằng năm. Nhóm VK đã vận động kinh phí xây dựng và đã hoàn thành 2 “cầu-cống” vừa phục vụ nhu cầu giao thông nông thôn cho 400 hộ dân vừa đảm bảo giữ nước ngăn lũ… Với mô hình trên, hằng năm đã tạo điều kiện cho bà con trong khu vực thu hoa lợi từ vườn cây ăn trái và lúa, ước tính khoảng 970.000.000 VNĐ/năm. Nếu tính chi phí xây dựng 2 cây “cầu-cống “ kết hợp chỉ có 30.000.000 VNĐ thì quả thật đã đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho bà con, đây là một mô hình rất khả thi cần phải được nhân rộng… (Để biết thêm chi tiết, xin bấm vào: http://pontvk.org/chuong-trinh-khac/du-an-cau-chong-lu)

Hôm nay, lại được tận mắt, tận tai nghe thấy kết quả lợi ích về mặt nhân sinh và kinh tế vùng của công việc xây cầu ở huyện Măng Thít, Vĩnh Long này, cả đoàn chúng tôi ai cũng hân hoan vui sướng. Bao nhiêu mệt mỏi vì nắng bụi đường xa tan biến. Chúng tôi thật sự không thể diễn tả hết nỗi niềm hồ hởi của mình.

***

Theo các số liệu báo cáo thì “94% số xã đã có đường ôtô đến trung tâm”, nhưng trong thực tế, đường giao thông nông thôn các ấp vùng sâu vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn, bất tiện, nhất là vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Cuộc sống của bà con nông dân cứ bị trói buộc bởi cái nghèo và quanh quẩn giữa cái khó khăn, vất vả.

Hiện nay Nhà nước đang đề ra Chiến lược phát triển nông thôn bền vững. “Mục tiêu phát triển nông thôn bền vững là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xét trên cả khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, nông dân phải là nhân vật trung tâm, người được hưởng lợi trước tiên từ những thành quả của quá trình phát triển”.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng hứa hẹn rằng “sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp – nông thôn; nâng cao năng lực của người dân; đẩy nhanh việc qui hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh theo hướng hiện đại và bền vững, nhằm cải thiện điều kiện sản xuất và nâng cao mức sinh hoạt của người dân. Đặc biệt coi trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản… Hình thành các vùng tập trung chuyên canh, có cơ cấu hợp lý về cây trồng, vật nuôi, có sản phẩm hàng hóa nhiều về số lượng, tốt về chất lượng, đảm bảo an toàn về lương thực cho xã hội, đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp chế biến và của thị trường trong và ngoài nước. Thực hiện thủy lợi hóa, điện khí hóa, cơ giới hóa, sinh học hóa …” Chương trình của Bộ có qui mô thật lớn lao to tát. Tất nhiên sẽ cần phải có nhiều thời gian và vốn đầu tư.

Từ thực tiễn những chuyến công tác theo chân chương trình “bê tông hoá cầu khỉ” ở đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi cảm thấy dường như trong quá trình “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước và hội nhập thế giới thì “vẫn còn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn Việt Nam, nhất là vùng sâu vùng xa”. Để có thể “chạm đến mục tiêu, nông dân phải là nhân vật trung tâm – người được hưởng lợi trước tiên từ những thành quả của quá trình phát triển”. Thiết nghĩ, Nhà nước và các ngành các cấp cần đầu tư nhiều hơn nữa, ưu tiên hơn nữa cho những vùng sâu vùng xa, mà đường giao thông nông thôn và cầu bê tông thay cầu khỉ là mục tiêu cơ bản trước mắt để tạo bệ phóng cho những mục tiêu khác trong Chiến lược phát triển nông thôn bền vững.

Và từ việc những cây cầu bê tông “sinh lợi” cho nông dân, tôi nghĩ n có nhiều công trình cầu đường nông thôn do “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn một cách thiết thực cho bà con nông dân trong giai đoạn trước mắt.

Hóc Môn, ngày 18/08/2009
Nguyễn Văn Công
Đại diện “Nh
óm VK” tại Việt Nam

Hai Cây Cầu Bê Tông Đã Xây Dựng Tại
Xã Chánh An – Huyện Măng Thít – Tỉnh Vĩnh Long

1. CẦU HỮU NGHỊ VK.39

Cầu khỉ năm xưa (HS.39)
Cầu bê tông hoàn thành năm 2007 (VK.39)
Cầu bê tông hoàn thành năm 2007 (VK.39)

2. CẦU HỮU NGHỊ VK.46

Cầu khỉ năm xưa (HS.46)
Cầu khỉ năm xưa (HS.46)
Cầu bê tông hoàn thành năm 2007 (VK.46)
Ngày Lễ Khánh Thành cầu
Bảng tên cầu
Bảng tên cầu

và … CẦU HỮU NGHỊ VK.???

Cầu khỉ Liên Tạo năm nay (HS.198)
Cầu khỉ Liên Tạo năm nay (HS.198)

534

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *