Những giấc mơ Việt Nam của kiều bào
Tha hương, bôn ba nơi đất khách, những tiến sĩ, kỹ sư gốc Việt vẫn đau đáu ngày trở về. Mỗi kiều bào có tâm sự riêng, việc làm khác nhau, nhưng cùng chung một khát khao biến giấc mơ Việt thành sức mạnh phát triển đất nước.
> Kiều bào đặt niềm tin vào thế hệ trẻ Việt Nam
Dù còn rất trẻ hay tóc đã điểm sương, những giấc mơ ấy của kiều bào vẫn tràn đầy nhiệt tình, hừng hực tâm huyết. Đó có thể chỉ là ẩn ức thời thơ ấu, cũng có thể là món nợ với quê hương hay đơn giản hơn là khát vọng cá nhân. Thế nhưng, nhiều mộng đẹp trong số ấy đã thành sự thật, không ngừng lớn lên, thay đổi từng ngày, thấm vào thế hệ kiều bào trẻ và các bạn thanh niên trong nước.
Giấc mơ của ông Thomas Soi (kiều bào Nhật), người dành 27 năm đời mình cưu mang trẻ em đường phố tại Việt Nam, là làm sao giúp những bạn nhỏ sa cơ lỡ bước trở về với cuộc sống bình thường. Ông từng phải thức dậy từ 2-3h sáng để đi tìm trẻ bụi đời, khuyên các em về sống ở Trung tâm phát huy Tân Định.
Không chỉ dừng lại ở việc dạy trẻ em đường phố học chữ, học nghề, học đạo đức làm người, ông Soi còn tìm cách giúp các em có học bổng để được tiếp cận những chương trình học cao hơn, tìm được nghề nghiệp và việc làm ổn định. Tính từ năm 1984 đến nay, ông Soi cùng các cộng sự đã cưu mang và giúp đỡ hơn 1.600 trẻ em đường phố. Ít ai ngờ rằng, ông Soi từng làm một lúc hai công việc: viết báo, chụp ảnh thuê để có tiền thực hiện giấc mơ ấy khi còn ở Việt Nam.

Về nước từ năm 1985, giấc mơ của ông Việt kiều Đức làm nhiều người kinh ngạc xen lẫn cảm động. Bởi lẽ, tiến sĩ khoa học nông nghiệp Đỗ Ngọc Quỳnh dám từ bỏ công việc ổn định ở châu Âu về Cần Thơ chỉ để được nếm mật nằm gai, tay lấm chân bùn cùng bà con nông dân. Ước mơ của ông là giúp người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long thoát nghèo bằng công nghệ sinh học.
Thích được gọi bằng cái tên thân thương Quỳnh Biogas, vị tiến sĩ này có nhiều năm làm việc tại Đại học Cần Thơ, 26 năm miệt mài giúp nông dân xóa đói giảm nghèo bằng cách áp dụng quy trình VACB (vườn ao chuồng và biogas). Lúc nào cũng vậy, ông luôn tin và nhìn thấy được khát vọng vươn lên mạnh mẽ của người nông dân Việt Nam.
Một giấc mơ khác, cũng không kém phần lãng mạn và đầy nhiệt thành, là câu chuyện về ông Nguyễn Trí Dũng. Cách đây 23 năm Sài Gòn xuất hiện trường Doanh thương Trí Dũng (của kiều bào Nhật), trường tư thục đầu tiên đào tạo thực vụ về kinh tế thương mại tại Việt Nam. Đã ngoài 60, ông Dũng là Giám đốc Công ty Minh Trân chuyên sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu sang Nhật, giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng khoa học Khu Công nghệ cao TP HCM và tích cực là cầu nối giữa Việt Nam với Nhật.

Năm 2007, ông hoàn tất việc dịch quyển tự truyện về cuộc đời của Honda Soichiro có tựa đề “Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới”. Ông muốn giới thiệu cuốn sách về người anh hùng chế tạo ôtô Nhật đứng đầu thế giới trong thế kỷ XX và nhân đó chia sẻ với mọi người về giấc mơ Việt Nam mà ông hằng ấp ủ. Ông kỳ vọng mọi người Việt Nam sẽ tìm thấy sức mạnh đi tới cho chính mình và cho đất nước như Honda đã làm. Nhiều năm qua, ông luôn nỗ lực kêu gọi đồng nghiệp, cộng sự, thanh niên cùng ông ươm mầm cho giấc mơ Việt Nam, cùng góp phần xây dựng một Việt Nam phát triển bền vững dựa trên nền khoa học kỹ thuật hiện đại.
Không khó để tìm ra những giấc mơ của kiều bào đã nảy mầm và đơm hoa kết trái trên mọi miền lãnh thổ. 7 năm về trước, nhóm Việt kiều (VK) được thành lập. Giấc mơ của họ là xóa cầu khỉ giúp những vùng nông thôn nghèo khó. Đến nay họ đã xây hơn 120 cây cầu tặng làng quê nghèo ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung. Giấc mơ của VK giản dị xuất phát từ tình thương dành cho trẻ em, học sinh và người nông dân nhưng những nhịp cầu họ đã bắc qua sông suối còn làm nên nhiều chiến tích lớn lao. Đó là tạo dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế nông thôn, giúp người nông dân có cơi hội hy vọng vào tương lai để vươn lên, giúp trẻ em đến trường dễ dàng hơn, giấc mơ của các em từ đó cũng rộng mở hơn.

Vài năm trở lại đây, kiều bào trẻ trở về Việt Nam làm việc không còn là hiện tượng hiếm. Họ mang trong mình hai nửa quê hương (một là Việt Nam, hai là một quốc gia vùng lãnh thổ nào đó trên thế giới) với đôi chút bỡ ngỡ tìm về quê mẹ. Chuẩn bị tinh thần sẵn sàng tái hội nhập với môi trường làm việc tại Việt Nam, họ không ngại ngần bất cứ điều gì dù biết mình sẽ va vấp không ít khó khăn, phải làm lại từ đầu trong một môi trường mới.
Đó là sự trở về đột ngột gây sốc cho gia đình của Tiến sĩ Mỹ, Nguyễn Đình Uyên chỉ để được dốc sức dạy sinh viên Việt Nam được học tập, làm việc trong môi trường công nghệ viễn thông thực sự. Đó là chuyến chủ động về nguồn của kiều bào Canada, Nguyễn Hữu Thái Hòa, dám từ bỏ vị trí cao, công việc ổn định ở tập đoàn đa quốc gia để trở về làm việc trong một doanh nghiệp Việt Nam. Và còn nhiều kiều bào trẻ trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, lập trình, điện, điện tử, viễn thông… nhiều năm học tập, làm việc ở nước ngoài cũng theo nhau tìm về. Những giấc mơ Việt Nam của họ tựa như trăm sông đổ về nguồn rồi cộng hưởng.
Nói như Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên, sự trở về của kiều bào không chỉ khẳng định thế kỷ hai mươi mốt là thế kỷ của châu Á, mà còn khắc họa một tinh thần dân tộc mạnh mẽ của người Việt, là cơ hội để những giấc mơ Việt Nam được hội ngộ, ươm mầm và đơm hoa, kết trái trong tương lai.
Hà Thanh
Source: http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2011/02/3ba26119/ (Thứ ba, 1/2/2011, 20:29 GMT+7)