Nhịp cầu nối những bờ vui
” Nhịp cầu nối những bờ vui” của nhạc sĩ Văn An đã làm rạng ngời trên gương mặt của bao người dân mà một khi ai đó có dịp đi ngang qua xã Mỹ An, huyện Mang thít.
Nơi mà trước đây những chiếc cầu khỉ lắc lư, những con đường đất lầy lội vào mùa mưa….. là nguyên nhân khiến cho vùng quê này chậm phát triển. Mức sống và thu nhập của người dân thấp so với mặt bằng chung của huyện. Cho nên việc quy động sức dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế.
Là 1 xã nông thôn sâu, sông ngòi chằng chịt, nhu cầu xây dựng cầu đường là rất cần thiết, nhưng xã chỉ có cách giải quyết trước mắt bằng những chiếc cầu tre, cầu ván tạm bợ…,..việc sinh hoạt và đi lại của người dân cũng như các em học sinh đến trường còn rất khó khăn, trể học là vấn đề thường xãy ra đối với các em học sinh nơi này, vì “ qua sông thì phải lụy đò” .Hàng hóa nông sản làm ra, mang đi tiêu thụ chủ yếu bằng phương tiện thủy, mất thời gian, hoặc phải qua nhiều khâu vận chuyển khi thời điểm nước kiệt, thương lái vào mua nhỏ giọt, chi phí lớn, lợi nhuận thấp, nông dân chịu thiệt.
Nhưng từ năm 2010 đến nay thì khác,vùng quê này đang được rút ngắn với đô thị khi những chiếc cầu pêtông đã được xây dựng, nổi lo cách chợ, ngăn sông của người dân không còn nữa.Chú Nguyễn Văn Công và các cô chú nhóm VK tại Việt Nam, quý ông Trần Văn Soi , ông Hồ Văn Hùng, ông Trần Đoàn Nghị…họ là những người con mà trước đây cũng chân lấm tay bùn sống xa quê hương, nhớ về cội nguồn , đã cùng với bà Yo Shhi MichiKo chung tay với quê hương Mỹ An xây dựng nên 4 chiếc cầu pêtông , mỗi chiếc cầu có chiều dài trên 20m đến 50m với các tên gọi là VK 108, VK 118, VK 119 và VK 125, tại các ấp An Hương 2, Thanh Hương và ấp An Hưng, tổng giá trị của 4 chiếc cầu là 1.126.000.000 đồng, trong đó nhóm VK hổ trợ 563.000.000 đồng.
Đây được xem như “Luồng gió mới” thổi tràn về vùng quê xa xôi, làm mát lòng biết bao người. Và cũng chính từ những chiếc cầu trên đã mang lại lợi ích rất lớn cho người dân vùng quê này , vì khi hệ thống giao thông nông thôn được xây dựng hoàn chỉnh thì kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ phát triển. Hàng hóa sẽ được giao lưu hai chiều tốt hơn, người dân ở nông thôn được mua hàng với giá thành thấp, sản phẩm làm ra bán được giá cao. Người già đi lại, học sinh đến trường sẽ không còn phải đi bằng đò, giảm chi phí cho việc học tập, giảm bớt nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông. Đồng thời, khi giao thông nông thôn được nối liền sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới, giải quyết được vấn đề lao động nhàn rỗi ở nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Điều đó được chứng thực ở nhiều mặt trong đời của người dân xã Mỹ An như: hàng hóa nông sản của nhân dân sản xuất ra được thương lái trực tiếp đến đặt mua, giá cả hàng hóa nông sản tăng lên, cụ thể:
Nhãn trước đây giá 8.000đ/kg nay tăng lên 12.000đ/kg, dừa khô tươi 100.000đ/chục nay tăng lên 150.000đ/chục, heo hơi 4.500.000đồng /tạ nay tăng lên 5.5000.000đồng/tạ.
Đặc biệt, đối với cây cầu VK 125 có chiều dài 50 mét nối liền đôi bờ của ấp An Hưng, cũng là cầu liên xã Mỹ An đi Long Mỹ. Đây là vùng chuyên canh trồng màu, có diện tích 50 ha trồng khoai mở, mỗi ha thu hoạch 30 tấn, giá bán 3.200.000đ/tấn ,nay bán 5.000.000đ/tấn, mỗi tấn tăng thêm được 1.800.000đ , như vậy mỗi ha khoai thu nhập tăng thêm 54.000.000đồng…
Điện, nước máy, internet… cũng đã đi vào vùng quê này,rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị,đời sống người dân được nâng lên từng ngày. Chúng tôi tin rằng, có được những chiếc cầu trên ,trong tương lai không xa, kinh tế – văn hoá -xã hội ở xã Mỹ An sẽ phát triển tốt hơn và người dân sẽ có được cuộc sống sung túc hơn.
Không những chỉ riêng Mỹ An, mà những vùng quê xa khác của tỉnh Vĩnh Long hiện nay cũng đang rất cần sự sẻ chia ,chung tay, góp sức…từ những tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân trong , ngoài nước, của những người con sống xa quê hương…. xây dựng những chiếc cầu mơ ước để giúp họ giảm đi cái nghèo, có được điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
KH
Source: http://vlufo.vinhlong.gov.vn/view.aspx?tempid=107&temparentid=5