Nhóm VK xây cầu nông thôn: Những người nối những bờ vui
Chiếc cầu là đầu con lộ
Trước đây, nói đến miền sông nước Nam Bộ, thì người ta thường hình dung ra xứ sở của những cây cầu khỉ, cầu ván. Những cây cầu đã đi vào tâm thức người Nam Bộ qua nhiều câu ca dao, nhưng phổ biến nhất có lẽ là câu:
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời..
Chính từ sự gập ghềnh khó đi, cầu ván, cầu tre (cầu khỉ) một thời đã biểu tượng của đường đời khó khăn, là nỗi vất vả, gian truân mà mỗi con người cần phải vượt qua trong cuộc sống. Qua cầu là qua được khó khăn “chiếc cầu là đầu con lộ” là vì thế.
Cũng vì không nơi nào lắm sông nhiều rạch như ở đồng bằng Sông Cửu Long, năm 2004, ông Nguyễn Văn Công, kiều bào Pháp và bạn bè đã chọn nơi đây để khởi công xây dựng những chiếc cầu đầu tiên tặng đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Khi khánh thành, ông Nguyễn Văn Công và các nhà hảo tâm đặt tên nó là cầu hữu nghị VK (Việt kiều) với mong muốn rằng đó là biểu tượng của tình cảm, của sự phát triển.
Như có lần, ông Nguyễn Văn Công, đại diện nhóm xây cầu VK đã chia sẻ với chúng tôi: “Sau nhiều năm sinh sống ở nước ngoài, khi về Việt Nam, đến thăm vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, chúng tôi không khỏi bùi ngùi trước cuộc sống còn nhiều thiếu thốn của người dân nơi đây. Trẻ em đi học vừa vác xe đạp vừa qua cầu khỉ. Các cô giáo, thầy giáo đi đến trường, phải đem theo một bộ quần áo gói trong túi nylon, để phòng khi trượt té trên cầu. Và người dân than thở: ở đây, lo hai bữa cơm đã khó tiền đâu mà xây cầu? Từ niềm trăn trở đó, cuối năm 2003, nhóm VK, gồm 11 thành viên đang sinh sống tại các nước khác nhau như Canada, Mỹ, Pháp, Nhật, Úc và Việt Nam, được thành lập với tên viết tắt là “Nhóm VK” với mục đích nhằm giúp đỡ và hỗ trợ giải quyết phần nào những khó khăn nêu trên tại các vùng xa xôi hẻo lánh ở quê nhà. Có cây cầu, cuộc sống người dân hai bên bờ sẽ có điều kiện nâng lên”.
Khi mới thành lập, “Nhóm VK” chỉ đề ra chỉ tiêu là xây dựng 10 cây cầu bê tông cốt sắt để thay thế 10 cây cầu khỉ, kinh phí xây dựng do các thành viên trong nhóm đóng góp. Nhưng sau đó, nhờ sự ủng hộ và đóng góp nhiệt tình của các cá nhân và tổ chức thông qua sự giới thiệu của bạn bè cũng như báo đài, kết quả đã vượt xa mục tiêu đề ra. Đến nay, nhóm VK vừa hoàn thành cây cầu VK thứ 169. Và đặc biệt là, địa bàn hoạt động của VK không chỉ giới hạn ở đồng bằng Sông Cửu Long mà đã vươn đến các tỉnh Nam Trung Bộ.
Không chỉ là ước mơ
Hiện đã có 5 cây cầu VK ở các tỉnh miền Trung. Cây cầu mới nhất ở khu vực này là cầu VK 160 khánh thành tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận vào ngày 17/9/2013. Lâm Sơn là một một xã miền núi heo hút, có đông đồng bào dân tộc thiểu số như K’Ho, Rắc Giây, Chăm… đang sinh sống.
Cầu Hữu nghị VK 160 có chiều dài 80m, chiều rộng 2m, tải trọng 1tấn nối liền thôn Lâm Phú và thôn Gòn 1, Gòn 2 đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm dân làng và các em học sinh của ba thôn đến trường, đi lại dễ dàng và an toàn hơn, nhất là trong mùa mưa lũ. Tổng kinh phí xây dựng cầu gần 800 triệu, trong đó kính phí vận động được từ các nhà hảo tâm là kiều bào Bỉ, Pháp, Mỹ và Tổng Lãnh sự Úc tại TP.HCM… đạt hơn 400 triệu. Công ty cổ phần TĐ Hạ Sông Pha (Ninh Thuận) đóng góp 350 triệu.
Dòng nước xoáy và những ghềnh đá lỏm chỏm dưới lòng sông không còn là nỗi ám ảnh của người dân địa phương. Khi có được cây cầu bê tông mới, thay thế cầu cây cầu gỗ, cuộc sống của người dân như có luồng gió mới thổi qua. Đó không chỉ là niềm hân hoan cho đôi bờ không còn cách trở mà còn là sự xúc động vì nhận ra rằng tình người vẫn đẹp trong những sẻ chia, những việc làm có ý nghĩa như thế này.
Theo những người dân địa phương kể lại thì mấy năm trước có anh nhà báo tỉnh đến xã Lâm Sơn tác nghiệp, khi đi qua cầu cây tạm bợ anh thấy chạnh lòng rồi mở máy ảnh ra ghi hình. Nhờ tấm hình của anh phóng viên, mà nhóm VK đã đến đây và giúp dân làng có một cây cầu như mơ ước của họ.
Từ đó, có thể thấy rằng, những thông điệp từ trái tim và tình yêu thương sẽ nhanh chóng lan truyền và nhân rộng trong cộng đồng. Lý do các địa phương mời gọi nhóm VK đến xây cầu là bởi nhóm VK có nhiều kỹ sư giàu kinh nghiệm. Những chiếc cầu được xây dựng với giá thành rẻ và đạt hiệu quả cao nhờ được áp dụng công nghệ mới, cách làm việc khoa học. Cũng vì thế, mà ngày càng nhiều địa phương mời nhóm VK đến xây cầu.
Trong những dịp lễ khánh thành cầu, nhóm VK kết hợp thực hiện các hoạt động khác như trao tặng học bổng, tặng quà cho người nghèo tại địa phương.
Sau hơn 9 năm hoạt động, mỗi nơi nhóm VK đi qua là thêm một lần người dân thấy vững tin về đoạn đường phía trước với những cây cầu bê tông hiện đại thay thế cầu khỉ, cầu cây. Cầu đúc, cầu bê tông không chỉ là mơ ước của người dân vùng sâu vùng xa mà nó đã trở thành hiện thực để kết nối tình thâm và nâng bước mỗi người đến với tương lai.
Thu Ba (UBVK)


Source: web Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM (Thứ 6, ngày 17 tháng 01 năm 2014)