Thông tin về xóa cầu khỉ
1) Thứ Ba, 13/01/2004, 09:02 (GMT+7)
Dự án xóa cầu khỉ ở ĐBSCL: Triển khai chậm vì vốn ít
TT (Hà Nội) – Báo cáo với Trung ương Đoàn và đại diện các bộ, ngành chiều 12-1, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan – giám đốc ban quản lý dự án xây dựng cầu nông thôn (Trung ương Đoàn) cho biết Dự án thanh niên xóa cầu khỉ ở ĐBSCL triển khai chậm, phạm vi hẹp vì thiếu vốn.
Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, do vốn trung ương phân bổ chỉ có 8 tỉ đồng năm 2003 (so với đề nghị 40 tỉ đồng) nên việc triển khai dự án 1.000 cầu ở 14 tỉnh ĐBSCL năm 2003 (năm thứ ba của chương trình thanh niên xóa cầu khỉ) chỉ thực hiện được ở sáu tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Cũng vì thiếu vốn nên tiến độ xóa cầu khỉ, xây cầu mới cũng còn chậm. Cả năm 2003 chỉ có 237 cầu mới được hoàn thành đưa vào sử dụng, nâng tổng số cầu do thanh niên tham gia xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng trong suốt ba năm qua lên 642 cầu tại 448 xã khó khăn của 14 tỉnh ĐBSCL. Đặc biệt trong số cầu mới được xây dựng này có 23 cầu được xây dựng từ nguồn vốn tiết kiệm của chương trình.
ĐỨC BÌNH
(http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=16110&ChannelID=7)
2) Thứ Sáu, 11/03/2005, 13:31 (GMT+7)
Một nhà từ thiện xây 20 cầu nông thôn
Sau khi thực hiện thành công 2 cây cầu treo đầu tiên tại huyện Giồng Trôm, ông Tony Ruttiman, một nhà từ thiện quốc tịch Thụy Sĩ đồng ý tài trợ cho tỉnh Bến Tre số tiền khoảng 1,2 tỉ đồng để xây dựng cầu nông thôn.
Với số tiền này, sẽ giúp Bến Tre xây dựng được 20 cây cầu nông thôn theo thiết kế cầu treo, góp phần giúp địa phương từng bước xóa cầu khỉ nông thôn ở các vùng sâu vùng xa. Hiện Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường tỉnh Bến Tre đang khảo sát và đưa vào thi công số cầu treo được tài trợ này.
(Ảnh: Cây cầu treo do ông Tony Ruttiman tài trợ xây dựng ở xã Mỹ Thạnh huyện Giồng Trôm)
Theo Báo điện tử Cần Thơ
(http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=69875&ChannelID=3)
3) Thứ Tư, 10/08/2005, 04:12 (GMT+7)
Việt kiều Pháp tham gia Mùa hè xanh 2005
TT (TP.HCM) – Cùng Mùa hè xanh TP.HCM 2005, nhóm sáu bạn trẻ của chi hội thanh niên Việt kiều tại Pháp (UJVF) thuộc Hội Người Việt yêu nước tại Pháp (UGVF) đã tham gia xóa cầu khỉ tại ấp Hội Giảng, xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
Tại đây, các bạn không chỉ tài trợ xây dựng chiếc cầu bằng bêtông rộng 2m, dài 20m với kinh phí gần 30 triệu đồng mà còn trực tiếp tham gia xây dựng cùng các thanh niên địa phương, các tình nguyện viên của Thành đoàn TP.HCM (ảnh).
Đây là lần đầu tiên các thành viên UJVF trực tiếp tham gia chiến dịch Mùa hè xanh mặc dù thời gian nghỉ phép về thăm quê hương không nhiều. Dự kiến chiếc cầu bằng bêtông này sẽ được bàn giao cho địa phương vào ngày 13-8 sắp tới.
Cũng trong hè này, UJVF đã tổ chức các đoàn dạy tiếng Pháp tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, làng Hòa Bình 2 Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM).
VÕ NHẬT VINH
(http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=92830&ChannelID=7)
4) Thứ Ba, 14/03/2006, 16:22 (GMT+7)
An Giang: mỗi đoàn viên một việc làm tình nguyện
TT – Sau lễ ra quân tại tỉnh đoàn, từ 3-3 ĐVTN các địa phương đã ra quân, triển khai nhiều hoạt động: gìn giữ trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, trồng cây chống sạt lở, làm đường, xây dựng cầu nông thôn xóa cầu khỉ… với tổng trị giá 1 tỉ đồng.
Bên cạnh đó còn nhiều hoạt động khác như quyên góp ủng hộ, giúp đỡ người dân và chiến sĩ biên giới hải đảo; thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe, sửa chữa xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, mẹ VN anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ, có công với cách mạng…
Ngoài ra, còn có các hoạt động giao lưu với những nhân chứng lịch sử, tổ chức du khảo về nguồn và diễn đàn “Tiếp lửa truyền thống – Mãi mãi tuổi 20” ở các cấp cơ sở…
Đ.VỊNH
(http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=127420&ChannelID=7)
5) Thứ Tư, 07/06/2006, 04:30 (GMT+7)
Hậu Giang: chung sức làm đường nông thôn
TT – “Khi chưa có đường bêtông và cầu ximăng, đường sá rất lầy lội vào mùa mưa. Từ khi người dân cùng chính quyền chung tay làm đường giao thông nông thôn (GTNT) ai cũng phấn khởi” – bác Huỳnh Văn Mười ở khu vực 1, phường 5, thị xã Vị Thanh – phấn khởi cho biết.
Thay đường làng
Theo bác Huỳnh Văn Mười, việc bêtông hóa đường nông thôn được làm theo phương thức: dân lo phần đắp đất, phá cây, nâng đường… Chính quyền lo phần tráng đường, huy động nguồn lực để hỗ trợ dân và để dân giám sát công trình. “Mỗi một mét đường được làm mới như nối thêm bờ vui trong xóm, ấp!” – bác Mười nói.
Việc đi lại thuận lợi, người dân sắm xe máy đi làm đồng, vận chuyển hàng hóa; trẻ em thong thả đến trường bằng xe đạp, không còn cuốc bộ trên những con đường đất phèn gồ ghề như trước nữa. Đi đến đâu chúng tôi cũng nghe người dân rôm rả bàn chuyện làm đường GTNT vì “đó cũng là sở nguyện của người dân quê”.
Nhìn về phía con đường bêtông mới xây xong, bà Huỳnh Thị Ba (65 tuổi), khu vực 1, phường 3, cho hay: “Trước khi chính quyền thông báo có ý định làm đường bêtông, xóa cầu khỉ tôi đã chủ động vận động bà con đốn cây, làm cỏ, dọn dẹp vệ sinh. Lần nào có các cuộc họp bàn tôi cũng xin đi theo để vận động. Bà con ai cũng ủng hộ”.
Nhờ đó, nhiều địa phương đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Điển hình như ở phường 7, ông Huỳnh Diệp Khả – chủ tịch UBND phường – cho hay ngày 24-4 vừa rồi toàn bộ 4km đường GTNT và 14 cầu bêtông xây mới đã hoàn thành, đang chờ nghiệm thu.
Chung sức cùng làm
Trong điều kiện mới chia tách, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu bêtông hóa GTNT lên hàng đầu. Theo ông Lê Văn Năm, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang, để thay đổi bộ mặt GTNT trong những năm đầu mới chia tách, tỉnh đã huy động sức dân để giải quyết việc đi lại, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Đầu năm 2004, tỉnh đã phát động phong trào làm đường GTNT tại 63 xã, phường, thị trấn. Khi dân đã đồng lòng chúng tôi tiến hành họp dân, công khai kinh phí, xác định các tuyến đường, vị trí nền đường cao hơn mực nước lũ từ 0,3-0,5m…
“Tất cả đều công khai, dân chủ dưới sự giám sát của dân. Ai cũng xem đây là trách nhiệm chung nên ngành chức năng thuận lợi trong công tác chỉ đạo” – ông Năm cho biết.
Sở Giao thông vận tải Hậu Giang cũng cho hay mỗi năm dân đóng góp khoảng 50 tỉ đồng (chiếm khoảng 70% nguồn kinh phí) để làm đường.Tỉnh giao cho Sở Giao thông vận tải, phòng nông nghiệp & phát triển nông thôn điều phối chương trình xuống tận xóm, ấp; công trình nào hoàn thành sớm tiến độ, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng sẽ được thưởng bằng công trình nhằm tạo đà giúp dân hoàn thành tiếp những công trình khác tại địa phương hoặc phục vụ các mục đích công ích khác.
“Chúng tôi rất vui khi chủ trương đưa ra phù hợp lòng dân. Bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới, đường sá rộng thoáng” – giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang Nguyễn Liên Khoa nói.
Theo Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, riêng từ đầu tháng 2-2006 đến đầu tháng 5-2006 toàn tỉnh đã làm mới trên 192km đường bêtông nông thôn, nâng cấp 163km, xóa trên 100 cầu khỉ. Tổng kinh phí thực hiện trên 87 tỉ đồng (dân góp trên 69 tỉ).
THANH XUÂN
(http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=142142&ChannelID=3)
6) Thứ Năm, 08/06/2006, 06:32 (GMT+7)
Vào hè tình nguyện 2006
TT – Thành đoàn TP Cần Thơ vừa triển khai chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2006 với nhiều hoạt động thiết thực: hỗ trợ các địa bàn khó khăn, thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội tại các xã vùng sâu, vùng xa (xóa cầu khỉ, khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật…)
(Ảnh: Thanh niên Hà Nội ra quân chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh 2006 – Ảnh: Thái Thịnh)
Ngoài ra còn có công tác bảo vệ môi trường; tuyên truyền phổ biến pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật; đền ơn đáp nghĩa, chung sức cùng cộng đồng chăm sóc thiếu nhi; tham gia các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế (tiếp sức mùa thi, phổ cập tin học, vệ sinh môi trường, truyền thông phòng chống dịch bệnh…).
* Tỉnh đoàn Bình Dương đã phát động đội thanh niên tình nguyện tham gia chống mù chữ, phổ cập giáo dục, đặc biệt cho trẻ em lang thang trong các gia đình ở khu nhà trọ.
* Huyện đoàn Quảng Trạch đã ra quân mở đầu cho chiến dịch mùa hè tình nguyện năm 2006 ở tỉnh Quảng Bình, hướng về vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ngay sau đó hơn 100 ĐVTN hai xã Quảng Xuân, Quảng Hưng đã đào đắp hơn 60m3 đất đá san lấp sân Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Quảng Xuân.
ĐVTN Quảng Phú, Quảng Phúc, Quảng Minh và các đội xung kích tình nguyện huyện khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho cựu TNXP, trẻ em mồ côi. Trên 40 ĐVTN tình nguyện khác đã về thôn 1, xã Quảng Thạch xây dựng hai đập tràn bêtông vượt khe sâu làm đường cho HS và người dân qua lại.
* Tỉnh đoàn Thanh Hóa vừa ra quân chiến dịch “Tháng thanh niên tình nguyện hè 2006”. Với phương châm “Rộng khắp, sáng tạo, an toàn và thiết thực”, chiến dịch dự kiến sẽ có hơn 10.000 ĐVTN tham gia làm 150km đường giao thông nông thôn ở sáu huyện miền núi, 500 SV, thanh niên tình nguyện Trường ĐH Hồng Đức, Thành đoàn TP Thanh Hóa và Công an tỉnh tham gia “Tiếp sức mùa thi”.
* 13 triệu đồng là số tiền quyên góp được qua đêm văn nghệ gây quĩ hoạt động chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh năm 2006 do Đoàn Trường ĐH Marketing, Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM phối hợp tổ chức tối 6-6.
Hè 2006, SV tình nguyện nơi đây thực hiện nhiều công trình: xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách neo đơn, tặng máy vi tính cho các xã nghèo… tại mặt trận Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang).
HÀ ĐỒNG – KIỀU MY – ANH THOA – L.GIANG – THỦY NGỌC – MẠNH KHÔI
(http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=142381&ChannelID=7)
7 Thứ Tư, 08/11/2006, 05:27 (GMT+7)
Cần Thơ: xây dựng 12 cầu công trình thanh niên
TT – Thành đoàn TP Cần Thơ vừa khởi công xây dựng công trình cầu thanh niên thứ năm của năm 2006. Cây cầu này được xây dựng tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) với tên gọi là cầu Vĩnh Lân.
Đây là công trình nằm trong phong trào xây dựng cầu nông thôn xóa cầu khỉ tại các tỉnh thành ĐBSCL do Trung ương Đoàn phát động. Được biết trong năm 2006, Thành đoàn TP Cần Thơ sẽ xây dựng 12 cây cầu nông thôn tương tự với tổng kinh phí 1,7 tỉ đồng; trong đó Trung ương Đoàn hỗ trợ 700 triệu đồng, số còn lại là kinh phí địa phương.
PHẠM DIỄM
(http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=171330&ChannelID=7)
8) Thứ Hai, 20/11/2006, 04:37 (GMT+7)
100 cây cầu bêtông thay cầu khỉ
TT – Ngày 18-11, Tỉnh đoàn Kiên Giang đã tổ chức khánh thành bốn cây cầu bêtông trong dự án xóa cầu khỉ do SYM tài trợ. Dự án này gồm 100 cây cầu bêtông với kinh phí xây dựng là 200.000 USD tại Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp…
Hiện nay đã có 26 cây cầu bêtông hoàn tất và đưa vào sử dụng. Trong năm tới, tất cả các tỉnh còn lại của ĐBSCL sẽ tiếp tục triển khai để hoàn tất dự án xóa cầu khỉ của SYM.
(Ảnh: Khánh thành cầu Thầy Bang, xã Tân Lược, huyện Bình Minh, Vĩnh Long)
TÂN NGUYỆT
(http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=173426&ChannelID=3)
9) Thứ Ba, 27/03/2007, 07:02 (GMT+7)
Ông sư xóa cầu khỉ, nhà nát
TT – Mấy năm trước qua ấp Hòa Thanh, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang ai cũng ngán đường bùn lầy nhão nhoẹt, cầu khỉ lắc lư. Bây giờ là thời xe hai bánh chạy êm ru qua con đường đất phẳng phiu, những cây cầu bêtông vững chắc.
(Ảnh: Sư Trần Nhiếp đã xây gần trăm cây cầu bêtông ở huyện Gò Quao và Giồng Riềng (Kiên Giang) – Ảnh: M.T.)
30 năm vẫn “chạy” tốt
Anh Thạch Danh, một người dân cố cựu đang phóng xe mau miệng nói: “Nhờ công của sư cả Trần Nhiếp đấy”. Sư cả Trần Nhiếp hiện là thượng tọa chùa Thanh Gia, ấp Hòa Thanh, xã Định Hòa, huyện Gò Quao. Ông Đào Văn Lẹ, chủ tịch xã Định Hòa, nói: “Sư là người đức hạnh cao, người dân vùng này đều kính nể những việc sư làm suốt mấy chục năm nay”. 40 năm qua, hình ảnh vị sư già bền bỉ liên tục có mặt các nơi để khảo sát, vận động, thiết kế xây gần trăm cây cầu bêtông lớn nhỏ ở các xã nghèo huyện Gò Quao, Giồng Riềng (Kiên Giang) đã in đậm trong tâm trí bao người…
Sư vạch kế hoạch thực hiện, tiền của thì vận động người dân quanh vùng, các nhà hảo tâm, Việt kiều. Thi công tới đâu hô hào trai tráng nơi đó tới phụ, như vậy sẽ hạn chế tiền thuê nhân công tốn kém. “Đem ý định này nói ra bà con đều đồng lòng ủng hộ, không những thế họ còn tự nguyện nấu cơm nước phục vụ” – sư nói. Ngày khánh thành những cây cầu mới ở ấp Hòa Thanh, nhìn những cụ già ung dung bước qua cầu còn thơm mùi vôi mới, trẻ em chạy xe tung tăng đến trường, lúa gạo cũng vận chuyển dễ dàng hơn, sư vui lây và nghĩ đến những con kênh khác đang cần nối nhịp.
Tiền dân quyên góp, nhà hảo tâm,Việt kiều đóng góp sư đều đổ vào các cây cầu. Tới năm 2007 đã có gần trăm cây cầu trị giá hàng tỉ đồng “mọc” lên ở các xã Vĩnh Phước, Định An, Định Hòa, Thiệu Liễu…, huyện Gò Quao và xã Giồng Đá, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). Riêng huyện Gò Quao giờ đây không còn cây cầu khỉ nào.
Dù chỉ học lóm từ các kỹ sư cầu đường nhưng những cây cầu do sư đảm trách đến nay đã hơn 30 năm mà chất lượng vẫn còn khá tốt. Tùy thuộc vào kinh phí vận động, mỗi năm sư xây 2-3 cây cầu. Cầu bêtông lớn kinh phí 35-50 triệu đồng, thời gian xây 1-2 tháng, cầu nhỏ thì 10-20 triệu đồng, thời gian hoàn thành khoảng một tháng.
“Tưởng họ nói đùa”
“Nhà mục nát, mưa gió dột lắm, thấy tôi nghèo sư thương nên cho mấy triệu đồng xây nhà mới. Nếu không thì còn lâu mới có được ngôi nhà kiên cố” – bà Danh Lẹ, 80 tuổi, ấp Hòa Thanh, nói. Ông Danh Đức, 46 tuổi, ngồi trong căn nhà tươm tất kể nhà ông lúc trước te tua lắm, muốn sửa ngặt cái thiếu tiền nong. Cứ thế vợ chồng ông và hai đứa con chen nhau trong căn nhà tranh túm húm. Cho tới một ngày đi làm đồng thuê về, nghe bà con kể sắp có nhà mới ông tưởng họ nói đùa. Vài hôm sau đã thấy sư Trần Nhiếp đến hỏi han, tặng tiền cất nhà, ông muốn khóc.
(Ảnh: Ở tuổi 80, bà Danh Lẹ (trái) có thể êm ấm trong căn nhà mới)
Ông Đào Văn Lẹ, chủ tịch UBND xã Định Hòa, nói: “Tiếng nói của sư rất có trọng lượng đối với người dân trong vùng. Việc xây cầu dù lớn hay nhỏ chỉ cần sư lên tiếng vận động là có hàng trăm người phụ giúp”.
Nhớ lại chuyện này sư kể: “Tháng 6-2006 khi đang xây cầu bêtông thì tình cờ ông Trần Lam, chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang, chạy ngang. Khi ông Lam hỏi chuyện, tôi thiệt tình nói xây cầu cho người dân đi lại dễ hơn, nghe xong ông Lam đã cho địa chỉ và đề nghị nếu có khó khăn gì cứ tìm đến…”. Lúc này sư Trần Nhiếp chợt nhớ người dân phải sử dụng nước giếng, ở nhà sắp sập nên nhanh chóng “bắt mối” cùng ông Lam để làm. Trước nhiệt huyết của sư, ông Lam hỗ trợ tiền xây năm căn nhà, năm cây nước.
Trong năm 2006, bằng các nguồn tài trợ khác nhau, sư đã xây cất chín căn nhà tình thương, mỗi căn trị giá 7 triệu đồng và xây mười cây nước, mỗi cây trị giá 1,6 triệu đồng cho bà con nghèo ở các ấp Hòa Thanh, Răng Rít, Bằng Bé… Hai tháng đầu năm nay, sư lên kế hoạch hoàn thành năm căn nhà tình thương, sau đó tiếp tục khảo sát ở các vùng nông thôn để ghi nhận nhà nào sập xệ, sư lại vận động các nhà hảo tâm.
Nhà sư 77 tuổi này bảo vẫn còn nhiều cây cầu khỉ, cầu ván ở các xã vùng sâu, vùng xa khác trong tỉnh cần đầu tư xây cất. “Ước nguyện của tôi là được khỏe mãi để tiếp tục xóa cầu cũ kỹ ở những vùng sâu, xây nhà cho người nghèo” – sư nói.
MINH TÂM
(http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=193369&ChannelID=3)
10) Thứ Tư, 28/11/2007, 01:00 (GMT+7)
Hơn 1.150 cầu nông thôn mới ở ĐBSCL
TT – Sáng 26-11, tại TP.HCM, Trung ương Đoàn đã tổ chức hội nghị tổng kết dự án thanh niên xóa cầu khỉ xây dựng cầu nông thôn mới ở ĐBSCL (năm 2000-2007).
(Ảnh: Sinh viên Mùa hè xanh thực hiện chương trình xóa cầu khỉ)
Theo đó, 1.158 cầu (đạt 83% kế hoạch) đã được xây dựng, hoàn thành trên địa bàn 498 xã của 114 huyện thị, 15 tỉnh thành (13 tỉnh thành ĐBSCL, Tây Ninh và TP.HCM) với tổng giá trị trên 180 tỉ đồng (vốn trung ương hỗ trợ là 84 tỉ đồng).
Với chủ trương tiết kiệm 5% kinh phí đối với tất cả các đối tác tham gia dự án, chương trình đã tiết kiệm cho Nhà nước gần 5 tỉ đồng, được tái đầu tư xây dựng thêm 43 cây cầu.
Dự án đã giải quyết việc làm cho hơn 5.500 bạn trẻ.
KIM ANH
(http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=231353&ChannelID=7)
vv…
Chương trình này e đã xem từ rất lâu, rất cám ơn các nhà hảo tâm trên toàn quốc đã giúp ng dân quê e dc đi lại dễ dàng hơn