Khảo sát các cầu đã và đang xây
Như đã thảo luận với anh Công nhân dịp đến Paris. Vào mùa hè này, nhờ anh Công thu xếp để hướng dẫn vài em về để giám định những cây cầu mà Nhóm VK đã xây trong 5 năm qua.
Kèm theo dưới đây là chương trình Giám Định do anh PVT.Phong đề nghị.
Theo Ban Cố Vấn thì có 3 ưu tiên phải làm:
1- Dẫn các em đến giám định công trường đang thi công cọc nhồi.
2- Dẫn các em đi giám định cầu cọc nhồi vừa mới hoàn thành.
3- Dẫn các em đi giám định cây cầu cọc nhồi cũ nhất (VK.45 Đại Hải, Sóc Trăng của Nhóm GNOL ?)
Các anh trong Ban Cố Vấn thảo luận rất nhiều về vấn đề này và ra chương trình theo dõi & phòng ngừa trong một thời gian, cần nhất là thu thập nhiều tham số để theo dõi.
Các em sẽ báo cáo cho Ban Cố vấn thành quả cuộc giám định.
Chúng Ta Hãy Cùng Nhau Xây Dựng Nhịp Cầu Nối Tương Lai
Ensemble Construisons Les Ponts Pour l’ Avenir
Let’s Build Together Bridges For The Futur
Trần Quang Đang
—***—
Kế hoạch đi khảo sát các cây cầu bêtông đã xây dựng thay cầu khỉ vùng ĐBSCL
Để phục vụ cho công tác Thiết kế và tính toán dự toán, xin các bạn cần tìm hiểu các vấn đề sau :
1. Kiểm tra bề mặt bêtông của dầm cầu, trụ cầu… xem mức độ rổ của bêtông như thế nào ? Có xuất hiện vết nứt trên bề mặt bêtông không ? Xuất hiện ở chổ nào ? Nếu có thì xác định rõ vị trí nứt (vẽ lại sơ bộ hiện trạng nhịp cầu tại vị trí nứt, ghi rõ cầu VK mấy ?, xã, ấp…). Tìm biện pháp khắc phục, có thể sử dụng đầm dùi không ? Các nơi thi công có điện lưới sinh hoạt không ? Hay sử dụng đầm dùi có động cơ ?
2. Thi công lan can như thế nào? Lắp coffrage và đổ bê tông tại chổ hay đúc từng trụ, đoạn thanh lan can rồi lắp ghép. Nếu đổ tại chổ thì trình tự thực hiện như thế nào?
3. Tìm hiểu thêm ưu khuyết điểm của gờ chắn bánh xe trên mặt cầu, có thực sự chắn được bánh xe hay không? Hay chỉ có tác dụng ngăn chân không lọt ra ngoài, rớt vật dụng xuống sông… Vì Phong đang nghiên cứu bỏ gờ chắn bánh này để giảm tải trọng tĩnh, cũng như giảm kinh phí.
4. Tìm hiểu trình tự thi công của 1 cây cầu từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc, thời gian hoàn thành, thời gian tháo coffrage của từng bộ phận, nhất là các phần chịu lực chính như dầm cầu, trụ cầu, đài cọc, bản mặt cầu (ghi chú cả coffrage thành và coffrage đáy). Vì nếu tháo coffrage sớm hơn tiêu chuẩn qui định thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình đông kết cứng của bêtông. Thông thường theo qui định thì phải sau 2-3 tuần thì mới được tháo dỡ coffrage và còn tùy theo vị trí chịu lực của kết cấu và loại xi măng, có thêm chất phụ gia hay không?…
5. Nghiên cứu chiều cao thông thuyền của từng cầu, từng vùng, từng địa phương nếu có thể, chiều cao này có tùy thuộc vào chiều rộng của sông rạch hay không? Các bạn có thể in file Dự toán và Bảng phân bố nhịp cầu mà Phong đã tính và bố trí để xem có phù họp cho từng loại không? Cần thêm bớt gì không?
6. Theo như Bộ bản vẽ của cầu dài 20m mà Phong đã phác thảo thì lấy mực nước cao nhất trong năm hoặc 2-3 năm gần đây làm mốc độ chuẩn (Mốc cao độ giả định 0,00m). Phong đã bố trí đường vào cầu cao hơn mốc cao độ này là 0,3m thì đã hợp lý chưa? Việc này có thể áp dụng cho tất cả các cầu không? Có nên nâng lên cao giá trị này thêm hay hạ bớt xuống không? Việc xác định “mực nước cao nhất” và “mực nước thông thuyền” này có khó khăn không? Vì đây là thông số chính để xác định cao độ của cầu. (Việc này thường phải hỏi dân ở tại địa phương)
7. Việc bố trí đường cong đứng trên cầu như bản vẽ cầu dài 20m có gây khó khăn trong quá trình thi công không? Để làm được việc này đòi hỏi Đơn vị thi công phải đo cao độ tại đáy dầm cầu ở các vị trí đã ghi trên bản vẽ (dòng số 4 trên bản vẽ mặt cắt dọc cầu), thường thì khoảng cách 1 mét phải đo 1 cao độ (thỉnh thoảng có khoảng cách là 0,5m nhưng rất ít, về nguyên tắc thì nếu đo càng nhiều điểm thì đường cong đứng càng mịn). Vì phải thiết kế như thế này mới giảm được độ dốc trên cầu, cũng như đảm bảo tính liên tục của trắc dọc cầu (độ dốc sẽ tăng hoặc giảm 1 cách từ từ, không bị gãy khúc, giảm chiều dài đoạn dốc, VD trong hình vẽ chiều dài này giảm từ 8,5m xuống còn 4m cho độ dốc 15%).
8. Nghiên cứu vị trí của mố cầu, vị trí này thường phải nằm gần trên bờ để tránh sạt lỡ của dòng sông, thường phải cách mé sông ít nhất 1-2m, giá trị này càng lớn càng an toàn, tuy nhiên dài quá sẽ làm tăng kinh phí.
9. Nghiên cứu việc tránh va chạm tàu bè, việc đóng 2-3 cây dừa phía trước trụ cầu như trong bản vẽ có khả thi không? Nghiên cứu luôn chính xác cách đóng cũng như vị trí đóng thế nào cho phù hợp?
10. Tìm hiểu nguồn cát, đá xây dựng lấy từ đâu, nếu là cát sông thì là cát lấy ở sông nước ngọt hay cát lấy ở sông nước mặn? Cát hạt to hay hạt mịn? Vì dùng cát hạt to mới tốt cho bêtông cầu. Nếu cần lấy mẫu đá, cát, sắt thép đem về trường ĐHBK để xác định thử các đặc trưng về cơ lý, thành phần hóa học để đối chiếu với tiêu chuẩn xem có đảm bảo không? Chỉ cần lấy đại diện vài mẫu (vì nếu lấy đúng theo qui định sẽ nhiều lắm), nếu được thì lấy ở mỗi công trình đang thi công 3 mẫu cát, 3 mẫu đá, sắt thép lấy mỗi loại đường kính 1 mẫu. Cũng có thể đúc mẫu bêtông tại chổ theo kích thước (15x15x15)cm rồi đem về kiểm tra.
11. Nghiên cứu sử dụng cốtpha thép cho toàn bộ công trình cầu xem có khả thi không? Nghiên cứu cách chế tạo cốtpha thép theo từng mô đun để có thể sử dụng cho nhiều loại cầu có chiều dài cầu khác nhau (vì có nhiều loại khoảng cách nhịp cầu giống nhau).
12. Nghiên cứu ưu khuyết điểm giữa việc sử dụng cọc ép và cọc khoan nhồi. Việc ép cọc có gặp khó khăn gì không? Có thể nhờ Đội thi công xác định tốc độ lún để vẽ biểu đồ lún theo thời gian, theo tải ép của cọc trong quá trình ép không (tất cả các cọc, tất cả các cầu, càng nhiều càng tốt, từ đó mới đánh giá được tình hình địa chất ở mỗi nơi, vì công trình của chúng ta không có khoan địa chất), từ lúc bắt đầu ép đến khi ép xong, nếu gặp trực tiếp đang ép cọc thì có thể đo ngay để chỉ dẫn luôn cho Đội thi công cách đo. Cọc đúc xong thì phải bảo dưỡng bằng cách phủ bao tải ẩm ít nhất phải sau 2 tuần mới được đem đi ép (tưới nước 3 lần ngày nếu trời nắng), điều này có ảnh hưởng đến tiến độ thi công không? Quá trình vận chuyển cọc xuống sông thế nào, có cần phải cẩu cọc không, nếu có cần để ý vị trí cẩu cọc để bố trí thép đai để chống lực cắt.
13. So sánh thực tế thi công với bảng tính Dự toán xem các công đoạn có phù hợp không? Cần bổ sung điều gì không?
14. Ghi chép lại tất cả các góp ý của Đội thi công cũng như các góp ý của cá nhân.
PHAN Võ Thu Phong
—***—
Không có thời gian xem kỹ nhưng có chỗ này thử nhắc các bạn:
– Cốt mũ ở bản mặt cầu các bạn có nên thêm 1 phi 6 cấu tạo ở mút để giúp cố định và phân phối lực tốt hơn?
– Các thép gân dài hơn 11,7m có nên chỉ rõ nơi nối(dấu trong phần BT chịu nén)?
@Sơn : mình đồng ý với anh về khoản nên dùng thêm 1 phi 6 ở mút. Tuy nhiên để sử dụng lâu dài thì nên mua loại thép tốt, hàng VN bây giờ toàn nhập từ TQ về gia công lại thôi, rất nguy hiểm