Tóm tắt buổi hội thảo của Nhóm VK

Ngày 09/02/09, nhóm VK đã tổ chức buổi họp mặt các nhà thiết kế, thi công cầu bêtông xóa cầu khỉ để cùng nhau trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm nhân dịp đầu Xuân Kỷ Sửu trong khuôn viên của IDECAF thuộc  Lãnh sự quán Pháp tại Tp.HCM.

Buổi họp có hơn 20 người tham dự, trong đó có đại diện Nhóm VK đến từ các nước Pháp, Mỹ, Canada, các nhà thầu, các nhà thiết kế, đại diện nhóm sinh viên Việt Nam tại Pháp, đặc biệt có sự tham gia báo cáo của Cô Huỳnh Thị Hạnh (Giảng viên chính – Bộ môn Vật Liệu Xây Dựng – Trường ĐHBK Tp.HCM).

Ông Nguyễn Văn Công, đại diện nhóm VK, phát biểu khai mạc và trình bày về những phương tiện qua sông, rạch của người dân ở nông thôn vùng sâu vùng xa thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL): từ cầu tre, cầu dừa, cầu ván, cầu bêtông, cầu sắt và thuyền bè…

Sau đó, năm nhà thầu đã lần lượt báo cáo, trình bày những cách thiết kế của mình. Mỗi nhà thầu đều có cách chế tạo theo một bản sắc riêng của họ khá thú vị, hấp dẫn và cũng không kém phần mỹ quan. Các loại cầu treo, cầu dây văng, cầu sắt, cầu bêtông… cũng đã được đề cập.

Các câu hỏi được đặt ra để hiểu biết thêm kinh nghiệm, công nghệ của mỗi nhà thầu. Tất cả mọi người đều trao đổi, bàn bạc trong thân tình cởi mở, trong bầu không khí thú vị đặc trưng khi nói về mỗi loại cầu và cùng nhau thông cảm, chia sẻ những công nghệ chế tạo, thi công rất thô sơ của các đồng nghiệp.

Nhiều vấn đề thắc mắc đã được các nhà chuyên môn phân tích và tìm hiểu nguyên nhân một cách rất sinh động. Các vấn đề về chất lượng vật liệu, thiết bị thi công trong điều kiện vùng sâu vùng xa ở ĐBSCL cũng được đề cập đến. Trong đó, bài toán về chế tạo và thi công bêtông đúng tiêu chuẩn cũng được Cô Hạnh trình bày và được mọi người trao đổi sôi nổi, nhất là các nhà thầu.

Anh Nguyễn Quốc Duy (đại diện nhóm SNVN tại Pháp) cũng đã giới thiệu về nhóm và các công việc đã thực hiện trong năm qua cũng như các công việc đang thực hiện, đồng thời giới thiệu Bộ Thiết Kế Mẫu cầu bêtông xóa cầu khỉ (ra mắt 15 loại cầu, còn 26 loại cầu đang tiếp tục hoàn thiện). Mọi người đánh giá rất cao về chất lượng của Bộ Thiết Kế Mẫu cũng như về những tình cảm mà sinh viên đã dành cho quê hương mặc dù những sinh viên ấy gặp không ít khó khăn trong quá  trình sống và học tập ở nơi xa nhà.

Ông Lâm Minh Chiếu (đại diện Ban Cố vấn Kỹ thuật) giới thiệu những đóng góp thiết thực về thiết kế và thi công của các kỹ sư (Việt kiều Pháp) như: Nguyễn Đắc Chí, Michel Hồ Tá Khanh, Lương Minh Phong, Lê Xuân Thảo, Nguyễn Hữu Thư và Lê Khắc Vụ.

Ông Nguyễn Đắc Chí, một giáo sư trường Cầu Đường Paris, đã giới thiệu bộ thiết bị xuyên đất tĩnh rất đơn giản do giáo sư Lương Minh Phong (trường Bách Khoa Paris) tính toán và thiết kế. Mục đích của thiết bị này nhằm xác định được chiều sâu đóng cọc bêtông cốt thép cho công trình cầu của nhóm VK. Ngoài ra ông còn trình bày ý kiến thiết kế cầu cho nhóm VK: chỉ cần dùng một cột trụ để đỡ kết cấu thượng tầng, thay vì dùng trụ cầu có 2 hoặc 3 cột trụ như hiện nay. Cột trụ này có thể được chế tạo từ những ống cống thoát nước được bày bán rất rộng rãi ở mỗi địa phương và nhồi bêtông cốt thép bên trong ống cống.

Ông Nguyễn Hữu Thư , một chuyên gia về cọc khoan nhồi đã từng làm việc cho các tập đoàn lớn của Pháp cũng đã có bài báo cáo về công nghệ, trình tự thi công các loại cọc khoan nhồi áp dụng cho mô hình cầu của nhóm VK. Ông còn trình bày một cách chế tạo mũi khoan để máy khoan không bị lệch trong quá trình xuyên xoắn vào trong lòng đất.

Cuối cùng, bà Mỹ Linh (đại diện nhóm VK tại VN) cũng có đôi lời phát biểu, cảm ơn sự tham gia đóng góp tích cực của tất cả các thành viên, từ các nhà thầu, các nhà thiết kế, các Việt kiều ở khắp năm châu đến các bạn sinh viên hiện đang học tập ở nước ngoài. Hy vọng trong thời gian tới nhóm VK sẽ tiếp tục xóa được nhiều cây cầu khỉ nữa với chất lượng cầu tốt hơn và độ thẩm mỹ cao hơn.

Lâm Minh Chiếu

Dưới đây, xin chia sẽ cùng quí vị vài hình ảnh của buổi họp hôm ấy!


imgp4620


imgp46211imgp4623imgp46281imgp4630imgp4634imgp4637imgp4643imgp4649imgp4652imgp4655imgp4675imgp4680imgp4685imgp4693imgp4712


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *